29 thg 9, 2011

Kiến trúc bền vững - hiểu một cách đơn giản

[Xaynhanho.vn]Kiến trúc bền vững” – cụm từ này trong những năm gần đây được nhắc tới rất nhiều. Khái niệm “kiến trúc bền vững” này gắn liền, thậm chí đồng nhất với các khái niệm kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng… nhằm đạt tới một giá trị bền vững cho môi trường sống của con người, giảm thiểu các tác động tiêu cực vào môi trường trong hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, cách hiểu này dù đúng nhưng chỉ là một khía cạnh, bởi lẽ đó là cái người ta đang thiếu và cần hướng tới. Hãy thử tiếp cận và hiểu kiến trúc bền vững một cách tổng quát và đơn giản hơn…


Một công trình tồn tại có ý nghĩa khi nó được đặt đúng nơi, đúng chỗ. Công trình phải làm đẹp thêm cảnh quan, không gian
Bền vững về kết cấu, vật liệu, kỹ thuật
Mọi kiến trúc ra đời đều phục vụ cho con người. Vì vậy, sự bền vững của kiến trúc đầu tiên chính là nghĩa đen, đơn giản nhất: công trình phải chắc chắn, an toàn. Tất nhiên mỗi thể loại công trình, tính chất công trình hay mỗi giai đoạn xây dựng có những yêu cầu mức độ bền vững khác nhau, nhưng đều có yêu cầu tối thiểu về độ bền vững cơ học, bền vững kết cấu. Một ngôi nhà, một kiến trúc hay và đẹp đến mấy mà bị… sụp đổ thì kiến trúc đó không còn giá trị sử dụng và cái hay, cái đẹp cũng không còn giá trị hiện hữu.

Trong khoa học xây dựng, bốn yêu cầu đòi hỏi với công trình liên quan mật thiết đến nhau là bền vững, tiện ích, thẩm mỹ, kinh tế thì “bền vững” luôn đứng ở đầu (trong khi hai yếu tố cuối là “thẩm mỹ” và “kinh tế” có thể hoán đổi cho nhau trong từng thời kỳ).

Khoa học kỹ thuật và khoa học xây dựng ngày càng phát triển, công nghệ vật liệu phát triển cho phép làm những toà nhà hiện đại có kết cấu bền vững hơn kiến trúc cổ nhiều lần. Nhưng những kiến trúc hiện đại cũng cao – lớn hơn, chứa đựng nhiều con người và tài sản; đòi hỏi yếu tố an toàn cao hơn nữa. Kiến trúc và con người ngày càng đối mặt nhiều với những bất ổn do cả thiên nhiên và xã hội (động đất, sóng thần, bão lũ, khủng bố…) nên sự bền vững kết cấu ngày càng trở nên quan trọng.

Bền vững về kết cấu gắn liền với bền vững vật liệu tạo nên kết cấu đó. Với kiến trúc cổ thì đó là gỗ, gạch, đá; với kiến trúc hiện đại đó là bê tông, thép. Bên cạnh vật liệu kết cấu, thì sự bền vững của những vật liệu tạo nên hình hài kiến trúc cũng rất quan trọng để tạo nên sự bền vững chung của cả công trình. Tất nhiên có nhiều trường hợp, nhiều công trình vật liệu đóng cả hai vai trò: vừa là vật liệu kết cấu chịu lực, vừa là vật liệu kiến trúc để tạo nên hình thức, giá trị thẩm mỹ của công trình.

Hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị trong công trình cũng là một phần quan trọng và đòi hỏi tính bền vững. Đó là những hệ thống phổ biến như hệ thống điện, chiếu sáng; hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp – thoát nước, hay ở mức độ cao hơn ở những kiến trúc hiện đại như hệ thống điều hoà nhiệt độ, hệ thống thang máy, hệ thống báo cháy – chữa cháy, hệ thống giám sát, hệ thống điều khiển thông minh… Công trình bền vững có nghĩa là những hệ thống này cũng phải bền vững, được thiết kế và lắp đặt khoa học, hoạt động ổn định, an toàn; thuận tiện và dễ dàng bảo trì, sửa chữa, nâng cấp thay thế hay xử lý nếu xảy ra sự cố.

Bền vững về quy hoạch, cảnh quan, môi trường
Một công trình tồn tại có ý nghĩa khi nó được đặt đúng nơi, đúng chỗ. Công trình phải làm đẹp thêm cảnh quan, không gian và ngược lại, không gian sẽ tôn công trình đó lên. Nói theo thuật ngữ chuyên môn là công trình kiến trúc phải phù hợp quy hoạch, và quy hoạch phải có giá trị, phải bền vững. Nhiều kiến trúc đô thị đã đã tồn tại hàng trăm năm mà vẫn đẹp. Chúng đẹp ở tự thân nghệ thuật kiến trúc, và đẹp vì được xây dựng đúng chỗ, hài hoà với cảnh quan đô thị, có những điểm nhìn đẹp. Thực tế ở những đô thị như Hà Nội hay TP.HCM, những kiến trúc Pháp vẫn bền vững qua thời gian, khẳng định giá trị của quy hoạch đô thị. Có thể kể tới những công trình công sở ở khu vực Ba Đình – Hà Nội, như sở Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở bộ Ngoại giao), Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), trường Albert Sarraut (nay là trụ sở Trung ương Đảng)… hoặc những công trình ở quận 1 – TP.HCM, như Toà Đô chánh Sài Gòn (nay là UBND TP.HCM), Bưu điện, nhà thờ Đức Bà… Các công trình này là những điểm nhấn của đô thị, góp phần tạo nên cấu trúc, diện mạo của đô thị. Nhưng cũng có một thực tế đáng buồn khác là nhiều công trình bản thân có giá trị về kiến trúc, nhưng lại được đặt không đúng chỗ, không phù hợp không gian, cảnh quan đô thị nên đã bị giảm giá trị. Lại có những công trình vi phạm quy hoạch (vì lý do này khác) phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế cũng gây nên những hệ quả xấu cho bản thân công trình và quy hoạch. Và cuối cùng là những không gian đô thị đang bị biến đổi một cách đáng sợ trước cơn lốc xây dựng, mà nhiều di sản kiến trúc, nhiều tác phẩm kiến trúc có giá trị đang bị chèn ép, bức hiếp đến nghẹt thở, mất không gian – cảnh quan, bị chìm khuất trong những công trình kém giá trị khác mới xây. Tệ hại hơn có những công trình bị phá bỏ để xây dựng công trình mới. Ở Hà Nội và TP.HCM, rất nhiều biệt thự cũ từ thời Pháp có giá trị về kiến trúc và đô thị đã, đang bị phá dỡ để nhường chỗ cho những dự án cao ốc. Điều đó cho thấy nếu quy hoạch không ổn định hoặc quản lý quy hoạch – đô thị không tốt cũng ảnh hưởng tới sự bền vững của công trình.

Bền vững về môi trường là một khái niệm mà đầu bài viết đã nhắc tới. Bền vững về môi trường có quan hệ với các vấn đề quy hoạch, cảnh quan. Yếu tố môi trường cũng được hiểu rộng cả nghĩa tự nhiên và xã hội. “Kiến trúc bền vững” như thường nói đề cập nhiều tới yếu tố môi trường tự nhiên với những tiêu chí như thân thiện với thiên nhiên, cộng sinh cùng thiên nhiên, nhiều màu xanh tự nhiên. Bền vững về môi trường có nghĩa là giảm thiểu thải những chất độc hại vào môi trường trong quá trình xây dựng vận hành, và cả khi phá dỡ. Tiết kiệm năng lượng cũng là một yếu tố không thể thiếu (giảm phá huỷ môi trường do khai thác tài nguyên như than, dầu mỏ… để sản xuất năng lượng điện). Bên cạnh những giải pháp kiến trúc thì việc ứng dụng công nghệ là xu hướng phát triển để khai thác những nguồn năng lượng sạch sẵn có trong tụ nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… hay xử lý chất thải. Ở góc độ môi trường xã hội, có một mâu thuẫn giữa sự phát triển, văn minh và môi trường tự nhiên. Sự phát triển của xã hội con người đồng nghĩa với việc sản xuất, tăng trưởng và xây dựng. Những việc này đều gây tác hại tới thiên nhiên do khai thác nguyên vật liệu và năng lượng từ thiên nhiên. Nhưng cũng không thể kìm hãm sự phát triển để giữ thiên nhiên hoang sơ theo một cách nào đó. Điều duy nhất có thể là phải tạo nên sự cân bằng. Kiến trúc bền vững (về môi trường) chính là tạo nên sự cân bằng này, hoà hợp và cộng sinh cùng thiên nhiên. Từ đó có những tác động qua lại với các vấn đề xã hội. Xu hướng sống chậm, đọc sách, đi xe đạp, không ăn thịt động vật… là một sự phản ứng của con người để bảo vệ thiên nhiên và môi trường; là hệ quả, cũng là tác nhân ảnh hưởng tới kiến trúc bền vững, kiến trúc sinh thái.
Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM, xây dựng 1877 – 1880) một công trình bền vững theo mọi nghĩa, kiến trúc này là một phần tạo nên diện mạo kiến trúc đô thị Sài Gòn.


Bền vững thẩm mỹ
Kiến trúc là một trong bảy môn nghệ thuật. Cho dù kiến trúc hiện đại ngày nay gần với công nghệ – kỹ thuật hơn, thì vẫn không thể loại trừ, phủ nhận yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ trong đó. Lịch sử kiến trúc nói riêng và lịch sử nghệ thuật nói chung là một dòng chảy không ngừng, luôn có sự tiếp biến, thay đổi, phát triển. Riêng kiến trúc còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như vật liệu, kỹ thuật, nhu cầu xã hội… Kiến trúc bền vững có nghĩa là phải có giá trị nghệ thuật theo quan điểm mỹ học nhất định. Tuy mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi quốc gia, vùng miền có những cách nhìn nhận khác nhau về những giá trị thẩm mỹ, trên nền tảng văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán…; song cái đẹp của nghệ thuật kiến trúc vẫn luôn có mẫu số chung trên nền tảng mỹ học, triết học. Kiến trúc là gương mặt phản ánh lịch sử, chứa đựng và ghi nhận các yếu tố chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật… ở thời điểm nó ra đời. Khác với những tác phẩm của các bộ môn nghệ thuật khác có thể mai một hoặc biến mất, “kiến trúc bền vững” tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm vẫn hiện hữu trong không gian, song hành cùng đời sống xã hội hiện đại. Nếu một kiến trúc được ghi nhận là bền vững, nghĩa là giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cũng bền vững, cho dù xu hướng nghệ thuật, trào lưu kiến trúc, phong cách kiến trúc đã thay đổi rất nhiều.

Có thể, có những thể loại kiến trúc mà người ta không xây nữa, hoặc có xây nhưng hình thức kiến trúc không như thế nữa. Nhưng những giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ của nó không vì thế mà bị giảm đi, trái lại giá trị lịch sử, nghệ thuật càng được đề cao và tôn vinh. Đương nhiên, những kiến trúc “bền vững thẩm mỹ” được ra đời bởi những kiến trúc sư tài năng. Và sự “bền vững thẩm mỹ” cũng là lý do để kiến trúc trường tồn, dù có thể đó không phải là kiến trúc quá bền chắc, to lớn, kỳ vĩ.

Bền vững văn hoá
Công trình kiến trúc được sinh ra để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của con người trong cuộc sống. Nhưng kiến trúc không chỉ đơn thuần có chức năng, công năng như những đồ vật, vật dụng khác. Sự tồn tại của kiến trúc cùng cuộc sống con người đã tạo nên những giá trị tinh thần. Tự thân kiến trúc có giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật đã là một phần của yếu tố ấy. Nhưng lớn hơn, nó còn hình thành, gìn giữ những giá trị văn hoá qua năm tháng, qua những thăng trầm lịch sử. Có thể nói có những kiến trúc có linh hồn. Điều đó hoàn toàn đúng với những công trình kiến trúc tôn giáo, đền đài, lăng tẩm…; những công trình đã trải qua các biến động thời cuộc, gắn liền với những sự kiện lịch sử, với những nhân vật lịch sử. Hoặc kiến trúc đó có thể là một kiến trúc tiêu biểu, mẫu mực thể hiện một giá trị văn hoá bình dị nhưng sâu sắc, thể hiện được cốt cách, tinh thần của chủ nhân.

Có những công trình nhỏ bé, có những kiến trúc cổ, trải qua hàng trăm năm mà vẫn tồn tại. Nhiều công trình ấy được xây dựng bằng những vật liệu không vĩnh cửu, không quá bền vững về kết cấu, cơ học và vật liệu theo nghĩa nguyên bản của nó; thế nhưng nó vẫn tồn tại, và toả sáng. Bởi những công trình ấy chứa đựng những giá trị văn hoá lớn lao. Nói một cách khác, đó là những kiến trúc bền vững văn hoá. Chính sự bền vững “vô hình” này lại có sức mạnh ghê gớm, mà không có một thế lực nào xâm hại, huỷ diệt được, dù là thiên nhiên hay con người. Ngược lại, có thể công trình bền vững về kết cấu, bền vững thẩm mỹ vẫn bị huỷ hoại bởi những yếu tố khác, ví dụ như việc quy hoạch, hay những chủ trương hành chính nào đó về quản lý xây dựng; hoặc nó bị đào thải bởi mang những yếu tố phi nhân văn, không được sự ủng hộ và đồng thuận của cộng đồng.

Kiến trúc bền vững – đó là một khái niệm rộng và đa nghĩa. Nhưng cũng có thể hiểu đơn giản, tổng quan và cụ thể ở những yếu tố tạo nên sự bền vững. Vật chất nào cũng bị hủy hoại bởi thời gian, nhưng những giá trị tinh thần thì mãi trường tồn!
Bài KTS: Nguyễn Trần Đức Anh
Nguồn: sgtt.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét